* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch* - Link gốc bài viết: https://watchvietnam.vn/kien-thuc/lich-su-patek-philippe-nautilus-phan-2-su-phat-trien-cua-bo-suu-tap.html
Trong thập niên 1970, Patek Philippe có thể được xem là một biểu tượng kể từ khi ra mắt từ 1976. Và do sự phát triển của nó sang hai thập kỉ tiếp theo, ta cũng có thể coi nó là biểu tượng trong thập niên 1980 và 1990. Trên thực tế, mẫu ref.3700 Jumbo cho đến thời điển hiện tại đã trở thành phiên bản đáng để sưu tập nhất. Mẫu đầu tiên cho thấy sự tiến hóa của Nautilus – một mẫu mà chúng ta sẽ không khám phá ở đây là một phiên bản đồng hồ nữ phát hành năm 1980, Ref.4700 với bộ vỏ 27mm và cỗ máy thạch anh bên trong, nhưng để có một sản phẩm thể thao sang trọng đi theo đúng mạch sản phẩm của 3700, thì Ref.3800 có lẽ sẽ đủ sức thuyết phục hơn, và chúng ta sẽ tìm hiểu về nó ngay bên dưới.
NĂM 1981 : NAUTILUS REF.3800 RA ĐỜI – SỰ PHÁT TRIỂN ĐẦU TIÊN CỦA SẢN PHẨM VỚI KÍCH THƯỚC TRUNG BÌNH
Bộ vỏ Jumbo với đường kính 42mm là một phần trong khái niệm Nautilus do Genta tạo ra, nhưng có vẻ như một số nhà sưu tập thời đó chưa có xu hướng mua một chiếc đồng hồ có kích thước lớn như vậy. Mặc dù vẫn đang được sản xuất, người ta đã tạo ra thêm một mẫu bản sao có kích thước nhỏ gọn hơn, đó chính là Nautilus Ref. 3800. Về cơ bản, mẫu đồng hồ này giống hệt như mẫu 3700 Jumbo : có cùng hình dáng tổng thể, cùng một loại dây đeo, cùng một mặt số. Tuy nhiên sau khi kiểm tra kĩ hơn, có vẻ như 3800 vẫn có sự khác biệt – dù không quá nhiều.
Sự phát triển đầu tiên tất nhiên là kích thước của bộ vỏ. Trong khi chiếc Jumbo có kích thước khổng lồ tại thời điểm những năm 1970-1980 : 42mm, thì kích thước của mẫu 3800 chỉ là 37.5 mm, nó nhỏ hơn nhiều so với phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên đây không phải là một chiếc đồng hồ nhỏ, phong cách cũ vẫn được giữ lại, với khung thân đơn khối kèm theo mô đun bảo vệ phía trên, hai tai hai bên, dây đeo bracelet tích hợp đi kèm thiết kế bát giác được làm mịn đầy tính biểu tượng. Patek Philippe đã gửi tới các nhà phê bình câu trả lời, bằng cách cung cấp một chiếc đồng hồ phù hợp hơn với các tiêu chuẩn sang trọng thông thường. ( tức nhỏ gọn hơn).
Về mặt số, chiếc đồng hồ 3800 có rất ít sự thay đổi so với bản tiền nhiệm, vẫn là mặt số màu xanh đậm đi kèm các rãnh ngang, cọc số dạng dùi cui và lịch ngày ở góc 3 giờ, tuy nhiên có một tính năng quan trọng đã được bổ sung vào : kim giây trung tâm. Chi tiết này đã chỉ ra sự thay đổi về mặt cơ học của Nautilus, bắt đầu bởi sự hỗ trợ của cỗ máy In-house trong ref.3800 : Calibre 335 SC. Đây là kết quả từ một quyết định của Patek, khi họ muốn tạo ra cỗ máy tự động dáng mỏng của riêng họ. So với cỗ máy tự động lấy từ JLC trước đây, Calibre 335 hiện đại hơn nhiều, với 29 chân kính, Rotor trung tâm, tần số 3hz và đi kèm các ” món ngon” đến từ Patek : hoàn thiện vượt trội, bánh lắc lên cót bằng vàng với vân sọc Geneve uốn cong, bánh xe cân bằng Gyromax hiện đại. Tuy nhiên cỗ máy này – có lẽ do sự xuất hiện của Kim giây trung tâm mà nó dày hơn một chút so với máy cũ : 3.5 mm so với 3.05 mm ( thực ra là dày hơn khá nhiều đấy) và đường kính nhỏ hơn : 27mm so với 28mm.
Việc bổ sung kim giây trung tâm có thể được coi là một sự thay đổi đơn giản. Tuy nhiên do nó đã tạo ra sự phá vỡ đối với nguyên tắc ban đầu, và được áp dụng với toàn bộ các mẫu về sau nên nó phải được đề cập ở đây. Trong lịch sử phát triển của Nautilus, chiếc Nautilus cỡ trung 3800 đã chứng kiến một số sự thay đổi, chủ yếu là việc tùy biến cho phép người dùng lựa chọn màu sắc và vật liệu : thép không gỉ đi kèm mặt số xanh đậm, thép không gỉ kèm mặt số màu trắng, thép không gỉ kèm mặt số vàng, thép không gỉ pha vàng đi kèm mặt số xanh đậm, vỏ vàng đi kèm mặt số đen, vỏ vàng mặt số vàng. Tất cả chúng đều sử dụng chung một kiểu mặt số rãnh ngang.
Bên cạnh Ref.3800, hãng Patek cũng ra mắt một chiếc đồng hồ khác trong cùng năm : Nautilus 3900, một phiên bản cỡ nhỏ hơn khác. Đây là một bản nhỏ hơn 3800 nhưng lớn hơn mẫu 4700 cho nữ – tức là phiên bản dành cho nam tay nhỏ hoặc nữ ( unisex) với kích thước 33mm, và nó chạy một cỗ máy thạch anh. Vậy là ngay trong năm 1980, hãng Patek đã có tới 4 phiên bản – trong hình ngay bên dưới
1.Ref.3700 đường kính 42mm, chạy máy cal.28-255 C
2. Ref. 3800, đường kính 37.5mm, chạy máy Cal.335 SC
3. Ref.3900, đường kính 33mm, chạy máy thạch anh
4. Ref.4700, đường kính 27mm ( nữ giới) chạy máy thạch anh
NĂM 1996 : NAUTILUS REF.3800 CỌC SỐ LA MÃ VÀ REF.5060
Năm 1996, hãng Patek Philippe đã thiết kế lại mặt số của mẫu 3800. Họ vẫn sử dụng bộ vỏ và cỗ máy tương tự như mẫu truyền thống, phiên bản năm 1996 đã giới thiệu một mặt số hoàn toàn mới. Không còn sử dụng các rãnh ngang, mặt số ở dạng trơn, đen mờ, cũng không còn cọc số dạng dùi cui, mà thay vào đó là các chữ số la mã truyền thống phết đầy sơn dạ quang. Ở rìa ngoài mặt số hiện hữu một dãy vạch phân chia phút. Bộ kim cũ cũng bị loại bỏ, thay vào đó là bộ kim hình lá. Tất cả những nét chính trên mặt số đã bị thay đổi toàn bộ, tạo ra một sự đột phá đầu tiên sau 20 năm sản xuất.
Ngày nay, các nhà sưu tập có xu hướng bỏ qua các phiên bản này, mà tìm đến các phiên bản cũ hoặc bản gần đây với mặt số rãnh ngang đặc trưng. Tuy nhiên tại thời điểm đó, phải nói chân thực rằng Nautilus chưa phải là một biểu tượng lớn như ngày nay. Những phiên bản mặt số mới đã được thị trường đón nhận rất tốt. Họ đã thành công rực rỡ và tạo ra sự quan tâm của mọi người vào kỉ niệm 20 ra đời sản phẩm. Doanh số khá cao và họ đã có được nhiều khách hàng mới. Phiên bản này có sẵn với chất liệu thép, hoặc hai tông màu ( thép pha vàng).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ có một chiếc đồng hồ khác cũng sử dụng mặt số La Mã, nó khá lạ và chắc chắn đây là một chiếc đồng hồ cực kì quan trọng với hãng Patek bởi vì đây là lần đầu tiên, Patek đã quyết định cung cấp mẫu Nautilus đi kèm một bộ dây bằng da thay vì dây đeo kim loại Bracelet tích hợp. Phiên bản dây da hiện đại của Nautilus vẫn giữ nguyên bộ vỏ trung tâm và mắt dây đầu tiên liên kết với dây đeo, chiếc Ref.5060 ra mắt năm 1996 sở hữu một bộ tai càng bình thường ! Chiếc đồng hồ này được cho là mẫu ưu tiên sự thanh lịch ( Dresswatch) trong bộ sưu tập, bộ vỏ vằng vàng thường kích thước 35mm. Đồng hồ đã loại bỏ đi phần tai biểu tượng ở hai bên, nó sử dụng một ổ bảo vệ núm tại góc 3 giờ, tất cả mọi thứ đều khác xa so với những chiếc trước đây trong bộ sưu tập Nautilus.
Trên thực tế, Patek Nautilus ref.5060 thường được các nhà sưu tập quảng cáo là ” Aquanaut”, một sự chuyển đổi từ bộ sưu tập này sang bộ sưu tập khác. Ở đây chúng ta có thể thấy mối liên kết giữa hai bộ sưu tập đồng hồ thể thao chính của Patek, với cùng một bộ niềng bát giác, nhưng nằm trong trong hai bộ khung thân khác nhau. Mặc dù có thể chưa phải là mẫu tốt nhất, nhưng Ref.5060 có ý nghĩa lịch sử quan trọng như là tiền thân của Aquanaut.
NĂM 1998 : NAUTILUS REF.3710 – SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÍNH NĂNG BỔ SUNG CẤP CAO VÀ SỰ TRỞ LẠI CỦA BỘ VỎ LỚN
Trong 22 năm, Patek Philippe Nautilus là một chiếc đồng hồ 2 hoặc 3 kim đi kèm lịch ngày, không hơn không kém. Điều này đã thay đổi vào năm 1998, với sự xuất hiện của ref.3710, một chiếc đồng hồ xuất hiện tính năng thang báo trữ cót và sự trở lại của bộ vỏ Jumbo 42mm.
Các mẫu Nautilus cỡ lớn đã bị ngừng sản xuất 8 năm cho tới 1998 – Khi Ref.3710 được giới thiệu – một khoảng thời gian khá là dài. Mẫu 3710, với bộ vỏ thép có kích thước 42mm và dây đeo Bracelet tích hợp, đây là một chiếc đồng hồ khá mỏng, độ dày 8mm dù đã có thêm tính năng phụ. Chiếc đồng hồ này tuân theo thiết kế tương tự như mẫu 3800 mặt số la mã – nó sử dụng cùng một kiểu mặt số, tuy nhiên bộ kim đã trở lại thiết kế ban đầu của Genta ( kim dạng dùi cui đầu tròn). Phần thang báo trữ cót được hiển thị tại góc 12 giờ, đem lại một cái gì đó khá độc đáo và quyến rũ. Lô gô đã phải chuyển sang vị trí 6 giờ, phần lịch ngày được giữ lại tại góc 3 giờ, với đĩa nền trắng chữ đen.
Patek Philippe Nautilus 3710 chỉ có sẵn trong phiên bản vỏ thép, mặt số màu đen ( không có hai tông màu, không có vàng) dù được sản xuất trong thời gian tới 8 năm. Bên trong bộ vỏ là cỗ máy cal.330 SC, một bản nâng cấp từ 335 và 315, với đường kính 27mm, 29 chân kính, con văng lên cót bằng vàng, khả năng trữ cót từ 38-48 giờ và dao động ở tần số 3hz, nắp đáy dạng đặc.
Một phiên bản rất đáng chú ý, một tác phẩm độc đáo có tên là : ” The Lucky Thirten”, được Philips bán gần đây với giá đặc biệt : 256.600 France Thụy Sỹ, trong khi bản 3710 tiêu chuẩn thường được bán với giá rẻ hơn tới 10 lần. Trên mặt số, tại vị trí 8 giờ nơi đáng ra phải có cọc số ” 8″, thì nó được thay thế bằng số “13” ( tức VIII thay bằng XIII ) la mã. Có vẻ như chủ sở hữu ban đầu là một tay mê tín, và do đó anh ta đã đặt hàng mặt số đặc biệt này.
NĂM 2004 : NAUTILUS REF . 3711 : BỘ VỎ JUMBO VÀNG TRẮNG ĐÃ TRỞ LẠI!
Đây là chiếc đồng hồ mà rất nhiều nhà sưu tập đồng hồ đã mong chờ, vì mẫu 3700 đã bị ngừng sản xuất từ năm 1990. Chiếc 3711 có thể coi là kẻ kế thừa xứng đáng từ nguyên mẫu đầu tiên, và nó chỉ có sẵn trong bộ vỏ làm từ vật liệu vàng trắng và không bao giờ được sản xuất với vỏ thép ( ref. 3711/1G-001)
Khó có thể phủ nhận vẻ đẹp của mẫu 3711, đầu tiên là nó sở hữu bộ vỏ Nautilus cỡ lớn với đường kính 42mm, và kèm theo đó là tất cả những thuộc tính lịch sử kế thừa mẫu 3700 : dây đeo kim loại Bracelet tích hợp, bộ tai thẳng, bộ niềng bát giác. Chiếc đồng hồ có phần hiện đại hơn thể hiện ở phần nắp đáy trong suốt. Trên thực tế, đây có thể coi là sự chuyển đổi giữa đồng hồ Nautilus cũ ( khung thân đơn khối, nắp đáy đặc) với phiên bản hiện đại ( khung thân 3 thành phần, nắp đáy saphire trong suốt, tai tròn). Đồng hồ khá dày so với các mẫu còn lại trong bộ sưu tập Nautilus : 9.4 mm.
Bên trong bộ vỏ, là cỗ máy Calibre 315 SC ( sở hữu kim giây trung tâm và lịch ngày), con văng lên cót trung tâm bằng vàng, chứng nhận Geneve Seal ( chứng nhận độ hoàn thiện máy cấp cao), 30 chân kính, cân bằng Gyromax dao động ở tần số 3Hz được điều chỉnh ở 5 vị trí. Mặt số có màu đen, các rãnh ngang và cọc số dùi cui được áp dụng. Đây là một chiếc đồng hồ rất hiếm, trước tiên là do vật liệu được chọn ( vàng trắng), khiến giá bán lẻ cao và thời gian sản xuất cũng khá ngắn : ra mắt từ 2004 và ngừng sản xuất năm 2006 cho tới khi Patek giới thiệu ref.5711. Đây chính là lí do khiến nó có giá khá cao tại các cuộc đấu giá ( trên 50.000 Euro).
NĂM 2005 : NAUTILUS REF. 3712 : MỘT CHIẾC ĐỒNG HỒ HIẾM VỚI MẶT SỐ PHỨC TẠP.
Một lần nữa, chúng ta lại được thấy một chiếc đồng hồ mang tính chuyển tiếp, và nó đặc biệt hiếm vì chỉ sản xuất duy nhất trong 1 năm : Patek Philippe Nautilus 3712. Sau chiếc 3710 với chức năng thang báo trữ cót, Patek lại mang tới chiếc 3712 với nhiều tính năng phức tạp hơn. Kiểu mặt số bất cân xứng của nó sau này sẽ trở thành một biểu tượng và được ca ngợi bởi các nhà sưu tập. Nó không cân bằng nhưng lại có nét vô cùng hấp dẫn không thể phủ nhận. Chiếc 3712 có vỏ bằng thép, kích cỡ Jumbo 42 mm và kế thừa nhiều tinh túy từ bản đầu : tai thẳng, nắp đáy trong suốt nhưng vẫn dựa trên kết cấu khung thân đơn khối. Mặt số của nó có màu xanh đậm với các rãnh nằm ngang.
Điểm đặc biệt của mẫu đồng hồ này chính là cỗ máy cũng như phần hiển thị của nó. Trước hết, đây là chiếc Nautilus đầu tiên sử dụng máy cơ sở Calibre 240, với một Con văng lên cót cỡ nhỏ Micro-rotor. Tiếp đó, nó sử dụng một mặt số mà đã từng được áp dụng cho dòng Calatrava từ khá lâu : thang báo trữ cót ở góc 10h30, ô lịch tuần trăng kèm lịch ngày ở góc 7 giờ và một ô phụ chứa kim giây nhỏ ở góc 4 giờ. Những vị trí chứa ô phụ khá kì lạ, nhưng đã được bài trí một cách hoàn hảo.
Thời gian tồn tại của mẫu đồng hồ này rất ngắn, nó được giới thiệu tại triển lãm Baselworld vào năm 2005 và ngay năm sau được thay thế bởi mẫu 5712 tại Basel 2006 – một mẫu đồng hồ có mặt số giống hệt nhưng bộ vỏ mới dành cho kỉ niệm 30 năm ra đời bộ sưu tập cùng với 5711, 5800 và 5980. Chiếc đồng hồ này rất hiếm và giá trị của nó đã tăng lên khoảng 45.000 Euro, ước tính đã sản xuất khoảng 500 chiếc.