Khi nói về đồng hồ đương đại, các công ty thường sử dụng các cỗ máy In-House hoặc mua ngoài. Chúng được cung cấp bởi các nhà sản xuất khác nhau. Nhiều thương hiệu cao cấp như Patek Philippe, Rolex và Breguet có thể tự tạo ra các cỗ máy để tối ưu hóa cho các danh mục đầu tư của họ. Một công ty được coi là ” Complete” khi họ có thể tự tạo cỗ máy cho riêng mình. Nhưng thực tế thì nhiều nhãn hiệu vẫn phải dựa vào những nguồn cung bên ngoài như ETA và Sellita. Tuy nhiên, thị trường đã thay đổi, một vài nhãn hiệu khác khi thành lập đã quyết định cung cấp những chiếc đồng hồ có giá thấp, và hơn nữa còn xuất hiện nhiều thương hiệu siêu nhỏ ở khắp mọi nơi – với các sản phẩm cơ học giá rẻ dễ tiếp cận. Do đó, các lựa chọn khác thay thế cho các cỗ máy thông thường của Thụy Sỹ đã trở nên quan trọng.
Thời gian và chi phí để thiết kế và xây dựng một cỗ máy in-house không phải là lựa chọn khả thi cho các thương hiệu nhỏ, thậm chí có nhiều công ty đồng hồ lớn có cơ sở sản xuất máy của riêng họ cũng phải dựa vào các cỗ máy mua ngoài áp dụng cho nhiều mẫu. Các thương hiệu như Panerai, IWC đã áp dụng các cỗ máy từ ETA hoặc Sellita, một số trong số chúng đã được sửa đổi tới mức hầu như không thể nhận ra. Patek Phillippe và Vacheron Constantin đã hợp tác với Lemania cho các cỗ máy bấm giờ ( Lemania hiện nay đã trở thành đơn vị sản xuất máy nội bộ cho hãng Breguet). Việc áp dụng các cỗ máy mua ngoài cho phép họ có thể áp con dấu ” Swiss Made” lên mặt số. Tuy nhiên, có những nhà sản xuất đến từ Châu Á cũng đang tiến hành cung cấp các cỗ máy riêng lẻ, điển hình đó là Seiko, Seagull và Miyota ( của Citizen). Sau đây ,chúng ta sẽ cùng điểm qua các nhà máy chuyên sản xuất máy đồng hồ đại trà hiện nay.
ETA
ETA là một đơn vị sản xuất máy đồng hồ trực thuộc tập đoàn Swatch Group Ltd. Là một nhà cung cấp máy đồng hồ Thụy Sỹ được biết đến nhiều nhất trong các công ty, từ các thương hiệu nhỏ cho tới các nhãn hiệu lớn. ETA được thành lập vào năm 1856 bởi hãng Eterna mặc dù nó đã đi vào công đoạn sản xuất từ năm 1793. Công ty sản xuất cả máy đồng hồ thạch anh lẫn cơ khí, và thậm chí còn sản xuất được nguyên một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh. Và họ được gán với cái tên ” Manfacture d’horlogerie “ – nhà sản xuất đồng hồ.
Có trụ sở đặt tại Grenchen, Thụy Sỹ, ETA là nhà sản xuất máy đồng hồ lớn nhất và có lịch sử gần đây rất gây tranh cãi, bởi tính độc quyền trong hoạt động cung ứng. Chính phủ Thụy Sỹ đã tiến hành điều tra công ty nhiều lần, và hiện tại thì nó vẫn tuân thủ một số hoạt động kinh doanh được quản lý nhất định. Rắc rối bắt đầu từ năm 2002 khi ngài Nicolas Hayek, lúc đó là chỉ tịch của Swatch Group đã kên kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Ébauches ( máy đồng hồ chưa thành phẩm) đối với các công ty không thuộc Swatch Group. Cách tiếp cận mang tính cạnh tranh triệt để này đã đe dọa tới sự tồn vong ( phá sản) với nhiều đối thủ, và ủy ban cạnh tranh Thụy Sỹ đã mở một cuộc điều tra vào năm 2003. Năm 2005, kết luận điều tra là ETA được phép cắt giảm lượng giao hàng tổng thể nhưng vẫn phải tiếp tục cung ứng cho các công ty khác, nếu không làm thế, họ sẽ vi phạm luật cartel của Thụy Sỹ. ETA vẫn được phép cắt giảm nguồn cung cho tới hôm nay, và việc giảm mạnh cung ứng từ năm 2005 đã buộc các thương hiệu bên ngoài Swatch tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác, có thể từ Thụy Sỹ hoặc bên ngoài Thụy Sỹ.
Có một số cỗ máy của ETA đã trở thành một biểu tượng, ví dụ như các Máy Valjoux 7750, hay còn gọi là ETA 7750, nó là một cỗ máy Chronograph phổ biến nhất tại Thụy Sỹ hiện nay. Có sẵn trong 4 cấp độ máy ( Grade) là Elaborated ( điều chỉnh tại 3 vị trí, sai lệch trung bình +/- 5 giây mỗi ngày), Top ( điều chỉnh tại 5 vị trí , độ sai lệch +/-4 giây mỗi ngày), và Chronometer ( đáo ứng tiêu chuẩn COSC nghiêm ngặt). Bên cạnh đó còn một cấp độ tiêu chuẩn – Standard, được điều chỉnh ở hai vị trí và có độ sai lệch cho phép cao nhất là +/- 30 giây 1 ngày.
một cỗ máy ETA 7750
Những con ” ngựa chiến” phổ biến khác có thể kể đến là ETA 2824-2 tự động ( 25 chân kính, 28.800 Vph, trữ cót 38 giờ, và có sẵn trong 4 cấp độ máy từ tiêu chuẩn đến Chronometer) và ETA 2892-A2 ( 21 chân kính, 28.800 Vph, trữ cót 42 giờ, có sẵn trong 3 cấp độ máy từ Elabor tới Chronometer). Máy 2824-2 phổ biến trong các nhãn hiệu rẻ như Hamilton, còn 2892-A2 được thấy trong các thương hiệu cao cấp như IWC và Breitling ( hiện nay cả hai đều lấy nguồn từ Sellita). Dòng Seamaster nổi tiếng của Omega trước đây cũng đã sử dụng 2892A2 loại chỉnh sửa ( ETA và Omega cùng 1 công ty mẹ).
máy ETA 2824-2
Nhìn chung, ETA cung cấp rất nhiều loại máy, như tự động có lịch, tự động kim giây nhỏ, giờ thế giới, GMT… Hoặc các loại máy lên dây tay đa phong cách ( bao gồm cả Unitas 2801 và Peseux 7001), và cuối cùng là đồng hồ bấm giờ các loại. ETA không chỉ cung cấp các giải pháp gần như vô tận cho các thương hiệu, mà còn nổi tiếng về độ tin cậy và khả năng tương thích tuyệt vời – bất kì một nhà sản xuất nào cũng có thể áp dụng máy ETA 2824. Tuy nhiên, lựa chọn ETA cũng có cái giá của nó : giá bán đắt nhất trong các loại máy bán đại trà.
SELLITA
trụ sở Sellita
Seliita là một nhà sản xuất máy đồng hồ đến từ Thụy Sỹ tương đối trẻ, và họ thường được coi là một bản sao của ETA. Các công ty khi tạo ra một cỗ máy có thể được cấp bằng sáng chế, tuy nhiên chúng chỉ có hiệu lực trong khoảng 20 năm và Sellita đã tận dụng điều này. Bằng sáng chế của ETA 2824-2 mà tôi đã đề cập ở trên là một ví dụ điển hình – nó được ra mắt vào năm 1970 và đã hết hạn bảo hộ sáng chế. Thực tế thì ETA và Sellita có một lịch sử đối tác rất thú vị tại một vài thời điểm. ETA đã từng thuê Sellita lắp ráp các cỗ máy của mình, nhưng sau đó thì quan hệ đối tác này đã bị cắt đứt.
Việc chấm dứt quan hệ đối tác với ETA buộc Sellita phải làm mọi cách để có thể tồn tại. Và họ đã tiến hành sản xuất các bản sao của ETA. Họ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm khi lắp ráp máy ETA, và đã sử dụng nó để tạo ra các bản sao cho các thiết kế đã hết hạn – việc sản xuất các cỗ máy mà họ đã quá quen thuộc là một bước đi vô cùng hợp lý. Sellita không chỉ thân thiết với ETA, mà họ còn thiết lập được mối quan hệ có chiều sâu với các nhà cung cấp các bộ phận, chính vì lẽ đó mà họ tạo ra được một lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác.
sellita SW200
Sellita trưởng thành dần qua nhiều năm, họ đã hoàn thiện khâu sản xuất, đi kèm chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm – chúng thường được coi là tương đương với ETA. Các mẫu máy Sellita SW500 là một ví dụ, đây là một bản sao của máy Valjoux 7750, nhưng ít tốn kém hơn và dễ tiếp cận hơn đối với các nhãn hiệu ngoài Swatch Group. Máy Sellita SW300 là một bản sao của 2829-A2, và cuối cùng, máy sellita SW200 được sử dụng rộng rãi dựa trên kiến trúc của máy ETA 2824.
sellita SW500
Với mục tiêu nhằm thẳng vào các phân khúc máy ETA phổ biến nhất, Sellita đang chứng minh sự phát triển của mình. Khi nguồn cung máy ETA giảm dần và có khả năng dừng hoàn toàn cho các đối thủ cạnh tranh, Sellita có thể trở thành một cái tên khổng lồ tiếp theo trong ngành đồng hồ, bởi họ cũng cho phép các nhãn hiệu giữ lại chữ ” Swiss made” trên mặt số mà không làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Cũng cần lưu ý rằng, Sellita cũng có sự hợp tác chặt chẽ với các nhãn hiệu, để tạo ra các cỗ máy mang tính chất tùy biến dựa trên kiến trúc sẵn có. Chất lượng của các cỗ máy Sellita không cần phải chứng minh nữa, và khả năng tương thích sẽ sớm ngang hàng với ETA.
CÁC NHÀ MÁY BÊN NGOÀI THỤY SỸ
Thuật ngữ ” Swiss made” là một khái niệm gây tranh cãi và thường xuyên bị hiểu lầm. Nó làm nên thương hiệu cho một nhãn hiệu, nhưng không có nghĩa là nó có hàm ý ” chất lượng cao”. Các nhãn hiệu cao cấp của Đức như Galshutte Original hay RGM của Mĩ cũng được tôn sùng tương tự như các đối thủ từ Thụy Sỹ. Tuy nhiên, cũng giống như các tay chơi thường đòi hỏi nguồn gốc Ý cho chiếc xe thể thao, thì Thụy Sỹ và đồng hồ là các khái niệm gần như bị đánh đồng với nhau. Và chính xác thì nó có nghĩa là gì? Một chiếc đồng hồ xó thể được dán nhãn Swiss made nếu nó được lắp ráp ở Thụy Sỹ, khâu kiểm tra cuối cùng ở Thụy Sỹ và tối thiểu 60% tổng chi phí sản xuất là ở Thụy Sỹ. Tiêu chuẩn để gán dòng chữ Swiss Made lên mặt số thực sự không quá cao như người ta vẫn nghĩ, và có những kẽ hở nhỏ có thể khai thác được. Tiêu chí được công nhận phổ biến là là cỗ máy được sản xuất ở Thụy Sỹ, thường là ETA hoặc Sellita nếu không phải là In-house. Các yêu cầu khác là cỗ máy đó phải được lắp ráp và khâu kiểm tra cuối cùng phải diễn ra ở Thụy Sỹ.
Ở bên ngoài Thụy Sỹ, có những nhà sản xuất máy đồng hồ tương đương ( dù ở cấp độ thấp hơn). Có ba công ty lớn và đều đến từ châu Á, là Miyota, Seiko và Seagull. Orient là nhà sản xuất thứ tư của Nhật Bản, nhưng họ lại sản xuất các cỗ máy dành riêng cho các nhãn hiệu của họ. Những cỗ máy này không có quyền gán mác Swiss Made, nhưng chúng không có nghĩa là thua kém hơn, và rõ ràng những cỗ máy này là rất quan trọng đối với các thương hiệu trẻ – để có thể nhúng một ngón chân vào một biển của những chiếc đồng hồ cơ học. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau xem xét kĩ hơn về những công ty có khả năng cung cấp máy thay thế cho Thụy Sỹ này!
MIYOTA
các cỗ máy Miyota được sản xuất bởi tập đoàn Citizen Watch Co .,Ltd, Nhật Bản. Nó đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp yêu thích cho tất cả các thương hiệu nhỏ cũng như các nhãn hiệu lớn đang tìm cách sản xuất các mẫu đồng hồ có giá cả phải chăng hơn. Ví dụ như Timex gần đây đã phát hành chiếc Marlin Automatic với cỗ máy Miyota 8215. Được giới thiệu vào năm 1977, đây là một cỗ máy tự động 21 chân kính, vận hành ở tần số 21.600 VPH ( 3Hz), trữ cót 40 giờ. Đã có một vài so sánh với máy 2824-2 khi nó thiếu đi tính năng dừng kim giây và một biên độ chính xác -20/+40 giây mỗi ngày. Tuy nhiên cỗ máy này có độ tin cậy được chứng minh qua thời gian, tính tương thích cao và giá cả rất phải chăng, dễ tiếp cận hơn so với các đối thủ tới từ Thụy Sỹ. Cả ETA 2824-2 và Miyota 8215 đều có hệ thống chống sốc, ETA sử dụng hệ thống Incabloc của Thụy Sỹ, còn Miyota sử dụng hệ thống Parashock độc quyền của họ.
MIYOTA 8215
Vào năm 2009, Miyota đã giới thiệu cỗ máy 9015 là thế hệ nối tiếp của 8215, với nhiều nâng cấp cho phép nó có thể cạnh tranh với ETA và Sellita, bao gồm tần số dao động 28.800 vph ( 4hz), 24 chân kính. Trữ cót tới 42 giờ và dừng kim giây. Độ chính xác tổng thể cũng được cải thiện với mức sai số +/- 30 giây mỗi ngày, gần như ngang ngửa với ETA Standard Grade. Độ hoàn thiện của ETA thường cao hơn khi xét về tính thẩm mĩ khi nhiều trong số chúng được đánh vân sọc và vân tròn. Còn đối với Miyota, trừ một số ngoại lệ, thì hầu hết chúng không được trang trí, nhưng xét trên quan điểm chức năng và độ tin cậy, máy Miyota sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với ETA và Sellita trong phân khúc đồng hồ giá phải chăng ( dưới 1500 USD)
MIYOTA 9015
Máy Miyota thường chỉ có thêm chức năng lịch ngày và thứ. Nhưng cỗ máy phức tạp của nó – 9132 có chứa thêm thang báo trữ cót và 24 giờ. Một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ kiểu như vậy sẽ có giá khá cao, tuy nhiên Miyota đã cung cấp máy 9132 với một mức giá rất hời đi kèm với thông số kĩ thuật cực kì cạnh tranh : 26 chân kính, 28.800 VPH ( 4hz) , trữ cót 40 giờ, dừng kim giây, thang báo năng lượng ở góc 12 giờ, lịch ngày ở góc 3 giờ và tính năng 24 giờ ở góc 6 giờ. Đó là một cỗ máy phong phú tính năng, cho phép các thương hiệu lớn lẫn nhỏ có thể tiếp cận được. Ví dụ như chiếc Edgemere Reserve – một chiếc đồng hồ rất tốt thuộc nhãn hiệu nhỏ ( microbrand), nó có gắn kèm cỗ máy Miyota 9132 với cái giá chỉ 695 USD ( giá đầu tư trên trang Kickstarter là 459 USD).
MIYOTA 9132
So sánh thêm một chút, chiếc Pharo Bigdate đi kèm chức năng báo cót đến từ thương hiệu Limes của Đức : có tính năng lịch cỡ lớn và thang báo năng lượng, nó có nền tảng máy ETA 2892-2 ( máy top Grade) gắn kèm một mô đun bổ sung các tính năng, có mức giá 1.640 EURO. Đây không hẳn là một sự so sánh công bằng, nhưng nó cũng đủ để mọi người hiểu được về sự chênh lệch mức giá. Mặc dù Miyota là một sự thay thế khả thi cho các công ty đồng hồ, nhưng nó chỉ thường áp dụng ở các mẫu cấp thấp. Ví dụ đơn cử là bạn sẽ không thể tìm được một cỗ máy Miyota có chứng nhận đọ chính xác cao Chronometer, và các tính năng bổ sung cũng chỉ loanh quanh ở tầm 9132 có thể cung cấp.
SEIKO
Seiko là một công ty Nhật Bản khác, và họ cũng là một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành chế tạo đồng hồ. Cũng giống như Citizen ( Miyota), họ sản xuất các cỗ máy cho riêng mình và cũng cung cấp nhiều loại máy cho các đối thủ cạnh tranh. Được thành lập từ năm 1881 tại Tokyo bởi Kintaro Hattori, với khởi đầu là một cửa hàng đồng hồ và trang sức. 11 năm sau, họ bắt đầu sản xuất đồng hồ dưới thương hiệu Seikosha ( ngôi nhà của sự tinh tế). Mãi tới năm 1924, những chiếc đồng hồ đeo tay mới bắt đầu được gán nhãn Seiko. Seiko có một lịch sử quan trọng đối với cỗ máy thạch anh, họ là công ty đầu tiên sản xuất chiếc đồng hồ thạch anh thương mại vào năm 1969. Điều này không chỉ góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng thạch anh, mà còn giúp Seiko phát triển mạnh mẽ trong thời kì hỗn loạn đó.
Bên cạnh đó, họ cũng là một công ty tiên phong trong ngành chế tạo đồng hồ cơ học. Ví dụ như vào năm 1968, họ đã giới thiệu một cỗ máy Hi-Beat chạy ở tần số dao động 36.000 vph ( 5hz), mang tới sự chuẩn xác và khả năng chống sốc cực tốt so với các cỗ máy thông thường. Chiếc đồng hồ lặn Hi-Beat đầu tiên trên thế giới là chiếc Seiko Ref.6159 -7001, phát hành năm 1968 ( gần đây đã được hồi sinh trong dòng Prospex Diver 300 Hi-beat). Hãng Seiko cũng có các thương hiệu con như Grand Seiko và Credor, sản xuất các cỗ máy rất cao cấp, được hoàn thiện tuyệt vời với các tính năng bổ sung phức tạp như điểm chuông tới phút hoặc tourbillon. Tất nhiên là những mặt hàng cao cấp đó không được xem xét trong quy mô bài viết này, tuy nhiên chúng tôi vẫn đề cập tới nó để thể hiện về khả năng chế tạo của nhãn hiệu này.
Các cỗ máy bán ra bên ngoài của Seiko ở cấp thấp hơn so với các dòng Grand Seiko và Presage, nhưng điều đó không làm cho chúng xấu đi. Một trong những sản phẩm chói sáng nhất, ít tốn kém nhất là cỗ máy tự động Seiko 7S26, được tìm thấy trong nhiều mẫu Seiko giá phải chăng, và cũng được áp dụng cho nhiều hãng khác. Với 21 chân kính, dao động ở tần số 21.600vph ( 3hz), khả năng trữ cót trong 40 giờ, sở hữu tính năng ngày/thứ, là một tính năng tốt cho một cỗ máy giá rẻ. Ví dụ như Seiko 5 SNK809, chúng có giá dưới 100 USD và chạy bằng máy 7S26, đi kèm tín năng lịch ngày/thứ, mặt kính Hardlex kèm khả năng chống sốc Diashock, đó là một món hời đáng kinh ngạc, và chỉ có một vài nhược điểm nhỏ : không có dừng kim giây hay lên cót tay ( độ chính xác được đánh giá là -20/ +40 giây mỗi ngày). Được giới thiệu vào năm 1996 thay thế cho Seiko 7002, 7S26 rất phổ biến cho các thương hiệu nhỏ để cung cấp các cỗ máy tự động giá rẻ.
MÁY 7S26
Một cỗ máy Seiko phổ biến khác là Seiko NH35A, với 24 chân kính, tần số 21.600 vph (3hz) và trữ cót tới 40 giờ. Máy này có cả chức năng dừng kim giây và lên dây tay, nhưng lại chỉ có lịch ngày chứ không có lịch thứ. Nó là một bản nâng cấp cao hơn của 7S26 và là một trong những cỗ máy bán ngoài phổ biến nhất hiện nay, được áp dụng cho các nhãn hiệu Microbrand hoặc lớn hơn như Invicta – với các đặc trưng tính năng gần tương đương Thụy Sĩ. Invicta có một loạt đồng hồ lặn với cỗ máy NH35A với giá dưới 100 USD. Đây là những mức giá không thể có đối với ETA hoặc Sellita tầm thấp. Tương tự như 7S26, độ chính xác của nó được đánh giá ở mức -20/+40 giây mỗi ngày, cao hơn 10 giây so với mức tối đa của ETA Standard.
SEAGULL
Seagull – tập đoàn đồng hồ Thiên Tân là một nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, và là nhà sản xuất máy đồng hồ cơ khí lớn nhất thế giới. Họ chịu trách nhiệm sản xuất ra 1/4 tổng sản lượng toàn cầu. Công ty này được thành lập từ năm 1955, với công xưởng máy móc có xuất xứ từ Thụy Sỹ trong hơn 50 năm. Thực tế là khi đó, họ đã mua lại nhà sản xuất máy Venus của Thụy Sỹ vào những năm 1960, cùng với máy móc và thiết kế của họ. Các cỗ máy của Seagull ban đầu vẫn được sản xuất dựa trên các thiết bị của Venus. Seagull đã dần phát triển thành một nhà sản xuất tinh vi, và ngày nay họ có thể chế tạo được cả Chronograph đi kèm Column Wheel và Tourbillon. Một đồng hồ Tourbillon Seagull có mức giá thấp nhất là 3865 CHF – một mức giá không tưởng nếu so với đồng hồ Thụy Sỹ. Đơn cử như chiếc Carrera Heuer -02T của hãng Tag Heuer, một chiếc tourbillon ít tốn kém nhất của Thụy Sỹ cũng đã có giá 15.000 CHF. Bỏ qua các tranh luận về chất lượng, độ chính xác và độ tin cậy, đây rõ ràng là một thành tích đáng nể của Seagull.
Cỗ máy Seagull ST901 là một cỗ máy bấm giờ lên cót tay rất phổ biến, có sở hữu bánh xe dạng cột Column wheel. Nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là một bản sao của Venus 175, nói chung ý kiến này là đúng – tuy nhiên chính xác hơn thì đó là một bản cập nhật và nâng cấp. Seagull sử dụng cỗ máy này cho mình, ví dụ chiếc 1963, nhưng đây cũng là một cỗ máy được yêu thích của các hãng nhỏ khác. Ví dụ như chiếc Mercer Lexington Chronograph chạy máy ST1901, đây là chiếc đồng hồ bấm giờ giá rẻ mà tôi rất thích, độ hoàn thiện đáng ngạc nhiên, giá cả phải chăng đi kèm một nắp đáy trong suốt. ST1901 có 23 chân kính, dao động ở tần số 21.600vph ( 3hz), khả năng trữ cót 40 giờ. ST1901 rất có tiếng về độ tin cậy, và nó cho phép các công ty nhỏ cung cấp những chiếc đồng hồ bấm giờ cơ học ở mức giá thấp hơn nhiều so với ETA 7750.
MÁY ST1901
Seagull ST36 cũng là một cỗ máy rất phổ thông. Nó là một máy lên dây tay, chỉ có duy nhất tính năng xem giờ. Tương tự như Unitas/ETA 6497 ( có thể gọi là bản sao). Nó rất phổ biến với các thương hiệu nhỏ như một sự thay thế rẻ tiền cho cả máy Thụy Sỹ lẫn Nhật Bản, ví dụ như công ty đồng hồ Marloe áp dụng cho dòng Cherwell. Seagull có xu hướng hoàn thiện hơi khác kiểu cho máy móc của họ, với các loại vân sóng và họa tiết ngôi sao, có thể chúng không hấp dẫn bằng vân sọc Geneve hay vân tròn, nhưng dù sao chúng cũng đã có sự thể hiện tạm ổn thông qua nắp đáy trong suốt. Trong khi các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nghe có vẻ hơi đáng sợ, đặc biệt là với đồng hồ cơ, thì các cỗ máy của Seagull có một lịch sử đã được chứng minh, cho phép tạo ra những chiếc đồng hồ hấp dẫn, giá rẻ hơn so với Thụy Sỹ hay thậm chí là cả Nhật Bản.
KẾT LUẬN
Các nhãn hiệu đồng hồ Swiss Made rõ ràng có một sự hấp dẫn khó cưỡng. Rốt cuộc thì đồng hồ và Thụy Sỹ luôn song hành cùng nhau giống như kiểu phim ảnh với Hollywood. Nhưng tất cả chúng ta cũng phải biết rằng. Có rất nhiều bộ phim tuyệt vời vốn không làm ở California. ETA và Sellita cho phép nhiều nhãn hiệu đóng chữ ” Swiss Made” lên mặt số, đó là một cách hiệu quả để tiếp thị sản phẩm. Và trong nhiều trường hợp thì đồng hồ Swiss Made là một lựa chọn an toàn khi nói đến độ tin cậy, khả năng tương thích và hơn hết là khả năng nhận diện thương hiệu.
Nếu bạn không thích thú với Swiss Made. Thì cũng có cả một thế giới đồng hồ nổi bật, với giá cả phải chăng ngoài kia, với các cỗ máy Miyota, Seiko hay Seagull. Những công ty sản xuất này đã biến ngành công nghiệp đồng hồ mở rộng ra xa hơn nhiều, so với một thị trường nếu chỉ có ETA và Sellita, và đó rõ ràng là một điều rất tốt.
cảm ơn watchvietnam.vn đã thực hiện nội dung bài viết