Linh bài viết gốc: https://watchvietnam.vn/tin-tuc/lich-su-patek-philippe-nautilus-phan-3-het-tu-2006-den-nay.html
LỊCH SỬ PATEK PHILIPPE NAUTILUS ( PHẦN 3-HẾT) : TỪ 2006 ĐẾN NAY
Mọi câu chuyện đều có sự khởi đầu và kết thúc, và hôm nay sẽ là phần thứ 3 – cũng là phần cuối cùng về lịch sử phát triển của Patek Philippe Nautilus. Sau khi đã xét đến sự ra đời của Ref.3700, khởi nguồn của cả dòng sản phẩm, và sự phát triển của dòng sản phẩm từ 1980-2006, ngay bây giờ, chúng ta sẽ cùng xem xét thời kì hiện tại của Nautilus, một kỉ nguyên mới bắt đầu từ 2006 – kỉ niệm 30 năm ra đời Nautilus với sự trở lại của bộ bỏ Jumbo bằng thép, sau đó là bổ sung đồng hồ bấm giờ và định hình nên bộ sưu tập Nautilus Như chúng ta đã biết ngày nay. Những mã 5711, 5980 hoặc 5990 sẽ được đề cập và người hâm mộ sẽ được biết rõ hơn về nó.
KỈ NIỆM 30 NĂM RA ĐỜI NAUTILUS VÀ BỘ SƯU TẬP NĂM 2006
Năm 2006, Patek Philippe đã đánh dấu mốc kỉ niệm 30 năm của bộ sưu tập Nautilus bằng một cách rất tuyệt vời. Thay vì đơn giản chỉ là một phiên bản giới hạn nào đó, họ đã tiến hành thiết kế lại ( một chút, không quá nhiều) toàn bộ bộ sưu tập và ra mắt không dưới 4 chiếc đồng hồ mới. Phiên bản lịch tuần trăng kèm ngày được giữ lại ( 3712) dưới cái tên mới là 5712, phiên bản vỏ cỡ trung bình 3800 được thay thế bằng mã 5800. Bộ sưu tập này là một bước tiến lớn vì nó đã giới thiệu một mẫu mà sau này sẽ là những biểu tượng : 5711 – một sự trở lại hoành tráng của bộ vỏ Jumbo thép, một phiên bản ” time and date” và bằng cách nào đó, nó là sự giải thích mẫu huyền thoại 3700 theo ngôn ngữ hiện đại. Kèm theo đó, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện lần đầu tiên của chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên trong bộ sưu tập, với tên mã là Ref.5980. Và điều quá tốt và rất thực tế là nó ra đời cùng với một bộ vỏ thép đi kèm chứ không phải là kim loại quý như ta thường gặp ở những thương hiệu khác.
2006- SỰ TRỞ LẠI CỦA BỘ VỎ JUMBO THÉP : NAUTILUS 5711 VÀ SO SÁNH VỚI 3700.
4 chiếc đồng hồ mới ra mắt dành cho Baselworld 2006 và sau đó là kỉ niệm 30 năm ra đời bộ sưu tập. Một chiếc đồng hồ chắc chắn là quan trọng hơn phần còn lại, vì chúng ta đang nói tới chiếc jumbo vỏ thép hay phiên bản “Time and date” , Ref.5712/A1. Chiếc đồng hồ này là sự tổng hợp tốt nhất những gì tốt nhất của bộ sưu tập Nautilus dành cho mọi nhà sưu tập : một chiếc đồng hồ thể thao bóng bẩy và táo bạo, với mặt số màu xanh, vỏ và dây đeo bằng thép không gỉ và mặt số hiển thị đơn giản giống như 3700. Khi so sánh, bạn sẽ nhận ra ngay thiết kế của Gerald Genta và bạn có thể thấy 5711 đã trung thành với điều đó như thế nào so với biểu tượng sinh năm 1976! Tuy nhiên khi kiểm tra kĩ hơn, nó sẽ cho bạn thấy sự tiến hóa khá mạnh mẽ, chủ yếu là nằm ở các chi tiết.
Như đã nói, giao diện và thiết kế tổng thể đã được tôn trọng một cách hoàn hảo với mẫu 5711. Những điều cơ bản gồm : vỏ bát giác bằng thép không gỉ, bản lề hai bên, dây đeo Bracelet tích hợp, bề mặt được chải xước kết hợp đánh bóng, hiển thị đơn giản trên mặt số màu xanh có rãnh ngang. Nếu cùng đặt cạnh nhau thì cả hai mẫu cũ mới trông vô cùng đồng điệu, tuy nhiên bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt và thấy được sự xuất hiện của những nét hiện đại trong phiên bản 2006, dưới đây là danh sách đầy đủ sự khác biệt :
VỎ : Vỏ của 5711 là bộ vỏ kết cấu 3 phần ( khung thân trung tâm, bộ niềng và nắp đáy), còn vỏ của 3700 là khung thân đơn khối Monobloc : với ổ chứa trung tâm kèm mô đun niềng bát giác. 5711 có nắp đáy làm từ kính saphire dạng bắt vít, cho phép quan sát cỗ máy bên trong, khả năng chống nước đều là 120m trên chiếc đồng hồ này.
- BẢN LỀ/TAI : Đây có lẽ là sự thay đổi chính về mặt thiết kế, trên mẫu 5711, bản lề hai bên đã được uốn cong viền ngoài theo độ cong của bộ vỏ, trong khi ở bản cũ 3700, nó là một đường thẳng ( tất cả những chiếc Nautilus từ 1976 đến trước 2006 đều áp dụng)
- KÍCH THƯỚC : 5711 đã tăng kích thước lên một chút, lên 43 mm ( tính cả tai) và 40mm đường chéo, trong khi ở mẫu 3700 là 42 mm.
- ĐỘ DÀY : 5711 dày hơn một chút, ở mức 8.3mm so với 7.6 mm cho phiên bản 1976, điều này là do cấu trúc khác nhau của vỏ máy, ốp lưng saphire, cỗ máy mới và mặt số mới. Tuy nhiên, Nautilus mới vẫn là một chiếc đồng hồ mỏng và thuộc tầng lớp đồng hồ sang trọng cao cấp.
- NÚM CHỈNH : 5711 là Dạng núm ren vặn cỡ lớn, của 3700 là ren vặn cỡ bé.
- DÂY ĐEO : mẫu 5711 có các liên kết trung tâm dạng phẳng, còn mẫu 3700 các mắt dây trung tâm ở dạng tròn, sự thay đổi này mang tới rất nhiều cảm giác hiện đại cho mẫu đời mới, ở phần khóa cũng có sự thay đổi : ở mẫu cũ, khóa gấp dạng lưỡi hai mảnh gập một bên, còn ở bản mới là lưỡi 3 mảnh gập vào từ 2 bên.
- MẶT SỐ : cả hai phiên bản đều có mặt màu xanh với các rãnh nằm ngang, tuy nhiên tông màu của 5711 mang chất ” điện tử” hơn, độ chuyển màu mạnh mẽ hơn, phần rãnh ngang cũng được làm sâu hơn và rộng hơn. Lô gô có phông chữ mới và đặt cao hơn trên mặt số. Các cọc số thiết kế táo bạo hơn, được vát hình tai thỏ hướng ra ngoài, bên trong lấp đầy chất phát quang Super Luminova thay vì Tritium. Bộ kim cũng được làm to hơn so với bản cũ.
- HIỂN THỊ : trong khi mẫu 3700 là một chiếc đồng hồ 2 kim, thì mẫu 5711 bổ sung thêm một kim giây trung tâm – thứ mang lại dấu hiệu về một cỗ máy mới.
- CỖ MÁY : mẫu Nautilus 5711 sử dụng một máy In-house có tên là Cal.324 SC đi kèm kim giây trung tâm. Trong khi đó mẫu 3700 sử dụng máy được làm trên nền tảng của máy JLC Cal.28-255C ( máy ngoài của hãng Jaeger Lecoultre). Cỗ máy mới khá hiện đại với tần số dao động 4hz, cân bằng Gyromax, Lò xo cân bằng Spyromax đi kèm độ hoàn thiện rất tốt ( đóng triện Geneve Seal và sau này là triện Patek Philippe Seal từ năm 2009). Khả năng trữ cót là 35 đến 45 giờ, hệ thống lên cót tự động thông qua bánh lắc lên cót trung tâm. Máy của 5711 dày hơn một chút so với máy của 3700 : 3.3mm so với 3.05 mm, điều đó dẫn tới 5711 cũng dày hơn.
Trước hết, Patek Philippe Nautilus 5711/1A rõ ràng là đã trung thành với các giá trị nguyên bản ban đầu, đồng thời nó có những bước tiến lớn trong thời hiện đại. Khi nhìn vào cổ tay, nó đem lại một cảm giác chất lượng hơn ( nặng và chắc chắn hơn) và lớn hơn. Với sự kết hợp của một bộ vỏ lớn hơn, màu sắc rõ rệt hơn trên mặt số, với các rãnh ngang sâu hơn và các cọc số cùng bộ kim to hơn, đã mang tới sự mạnh mẽ cho Nautilus, giúp nó vững chắc bước chân để tiến vào thế kỉ 21.
Sự phát triển cấu trúc bộ vỏ bằng cách nào đó đã tạo ra một cảm giác có chút khó chịu đối với các nhà sưu tập khó tính, vì bộ vỏ dạng Monobloc cũ là một trong những khái niệm có từ thời kì đầu, tuy nhiên hành động của Patek cho việc thay đổi có thể hiểu được vì nhiều lí do : quy trình sản xuất dễ dàng hơn, bảo dưỡng dễ hơn. Một lần nữa, chiếc đồng hồ đã phải có những bước nhượng bộ cho các tính chất hiện đại.
Lời kết luận dành cho Nautilus 5711/1A là chiếc đồng hồ đã rất thành công về mặt doanh số cũng như phản ứng tích cực từ các nhà sưu tập. Chiếc đồng hồ này gần như không thể tìm thấy hàng mới bên trong một cửa hàng và giá cho một chiếc đã qua sử dụng còn cao hơn giá bán lẻ đề xuất. Những chiếc đồng hồ Nautilus vỏ thép Jumbo luôn là một món đồ sưu tập dù là bản vintage hay bản mới!
Nautilus 5711 hiện có sẵn với dây đeo bằng thép với mặt số màu xanh ( 5711/1A-001), bằng thép với mặt số màu trắng ( 5711/1A-011), bằng vàng hồng với mặt số Sô cô la ( 5711/1R-001) và có sẵn với dây đeo bằng da từ năm 2007 trên vỏ vàng, ví dụ như 5711J ( đã ngừng sx). Một phiên bản bạch kim hiếm, mặt số xanh 5711P cũng có sản xuất theo yêu cầu ( rất hạn chế).
NĂM 2006 – BẢN CẬP NHẬT CỦA PHIÊN BẢN TRĂNG SAO/NGÀY, NAUTILUS 5712 ( KÈM SO SÁNH VỚI 3712)
Phiên bản lịch tuần trăng của Patek Philippe Nautilus không thực sự là một chiếc đồng hồ mới, nó gần giống hệt với chiếc ra trước đó vào năm 2005 : ref.3712 đã xuất hiện trong bộ sưu tập. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ có một bản nâng cấp. Mẫu mới có tên tham chiếu là Ref.5712 và nó vẫn giữ nguyên phần mặt số bất cân xứng, có phần lộn xộn nhưng quyến rũ, với giờ và phút ở trung tâm mặt số, kim giây nhỏ đặt tại góc 4h30, bộ lịch tuần trăng đặt tại góc 7 giờ, và một thang báo trữ cót ở góc 10h30. Nhìn chung chiếc đồng hồ vẫn khá trực quan kiểu như mẫu 5711, có cùng một kiểu vỏ, dây đeo, hình dáng của bộ kim, cọc số và rãnh trên mặt số. Điều khác biệt là mặt số và cỗ máy gắn bên trong.
Khi so sánh với mẫu 3712-1A, nhìn qua thì có vẻ rất giống nhau vì chúng ra đời cách nhau chỉ 1 năm, nhưng thực tế vẫn có những điểm khác biệt :
VỎ: 5712 có cấu trúc vỏ giống với 5711, tức là cấu trúc vỏ 3 phần so với cấu trúc monobloc kèm ốp lưng saphire của 3712, cả hai đều chống nước tới 60m.
BẢN LỀ/TAI : Tai hai bên chuyển từ dạng thẳng sang dạng cong ở viền.
KÍCH THƯỚC : 5712 có kích thước lớn hơn một chút, ở mức 43mm so với 42mm ở 3712 ( tính cả hai tai)
ĐỘ DÀY : 5712 dày hơn một chút so với bản cũ , 8.52mm so với 8.37mm, điều này có được từ sự khác nhau của kết cấu bộ vỏ.
NÚM ĐIỀU CHỈNH : núm của 5712 to hơn và là núm dạng vặn ren.
DÂY ĐEO : 5712 có các liên kết trung tâm dạng phẳng, trong khi ở 3712 là dạng tròn, cả hai đều sử dụng khóa gấp 3 phần hiện đại.
MẶT SỐ : Cả hai đều có mặt số màu xanh Gradient đặc trưng, với các rãnh ngang. Thật khó để đánh giá trên ảnh, mặt số của chúng có màu sắc rất giống nhau. Tuy nhiên vẫn có một vài sự khác biệt, đầu tiên là cọc số bé xíu ở góc 7 giờ, ngay dưới bộ lịch ngày đã bị bỏ đi trên mẫu 5712. Tiếp đó, cọc số vị trí 6 giờ ở bản 5712 sẽ được vát đầu. Phần moonphase, vòng báo ngày sẽ có chỉ số được phóng to ra, và đặt theo hướng thuận mắt người nhìn chứ không phải là dạng xếp vòng tròn xung quanh như bản 3712.
CỖ MÁY : Vẫn giữ nguyên Cal.240 PS IRM C LU ( viết tắt của Petite Seconde, Indication de Réserve de Marche, Calendrier et Lune). Điểm đáng chú ý là tới năm 2009 Patek đã áp dụng triện Patek Philippe Seal đóng vào thay cho Geneva Seal. ( triện chứng nhận chế tác cấp cao và độ chính xác cao, thay vì chỉ là kĩ nghệ chế tác máy cấp cao mà ko có độ chính xác trên Geneva Seal).
Ngoài phiên bản Moonphase vỏ thép ( 5712-1A), Patek cũng giới thiệu cùng năm đó phiên bản vỏ vàng hồng Ref.5712R. Đây là mẫu rất quan trọng vì nó là chiếc Nautilus đầu tiên đi kèm một bộ dây đeo bằng da, tức là nó vẫn giữ nguyên bộ vỏ chính kèm mắt dây liên kết trung tâm đầu tiên của dây đeo kim loại, sau đó gắn dây da vào. Sự kết hợp này hiện nay có thể tìm thấy trên hầu hết các phiên bản Nautilus.
NĂM 2006 – ĐỒNG HỒ CHRONOGRAPH ĐẦU TIÊN TRONG BỘ SƯU TẬP : NAUTILUS REF.5980
Cho đến năm 2006, Patek Philippe Nautilus đã chứng kiến một số sự thay đổi và bổ sung tính năng. Tuy nhiên tất cả chúng đều là các tính năng hiển thị ( như moonphase hay báo cót) và không liên quan gì tới việc đo đếm thời gian. Vào năm 2006, hãng Patek đã bổ sung cho bộ sưu tập Nautilus một tính năng phức tạp hoàn toàn mới dành cho khái niệm đồng hồ thể thao sang trọng : Đồng hồ bấm giờ. Nó được đặt tên là Ref. 5980, sử dụng cỗ máy CH 28-520 hiện đại. Đây là một cỗ máy tự động lên dây cót in-house, nó được áp dụng cho hai phiên bản đồng hồ là 5960P và Nautilus. Riêng với Nautilus thì hãng đã áp dụng cách tiếp cận hiển thị đơn giản hơn, bỏ đi bộ lịch thường niên, chỉ giữ lại ô cửa sổ ngày đơn giản ở góc 3 giờ. Tuy nhiên về cơ chế bấm giờ, nền tảng cơ sở và hiển thị thời gian trôi qua thì tương đương nhau.
Nautilus 5980 được làm dựa trên một cấu trúc 3 thành phần giống như 5711 và 5712, với thiết kế tổng thể giống nhau, tuy nhiên vỏ máy được làm lớn hơn một chút, ở mức 40.5 mm đo từ góc 10-4 giờ, thay vì 40mm như trước, kèm theo đó là tính năng bấm giờ đi kèm 2 núm đẩy ở góc 2 và 4 giờ. Nó có khả năng chống nước tới 120m, giống như 5711. Mặt số hiển thị rất trực quan, trái với các đồng hồ bấm giờ tiêu chuẩn có tới 2 hoặc 3 ô phụ ( kim giây, ô bấm giờ 30 phút và ô bấm giờ 12 giờ), Nautilus 5980 có một ô phụ đồng trục duy nhất dành cho tính năng giờ và phút của Chronograph.
Cỗ máy bên trong, Calibre CH 28-520 C là một máy dạng Haute Horlogerie ( máy cấp cao hoàn thiện thủ công) hiện đại, phức tạp và sáng tạo. Nó đi theo cấu trúc máy dạng tích hợp, tự động lên cót, bánh xe dạng cột, ly hợp dọc, Gyromax và Spyromax. Dự trữ năng lượng ở mức 45-55 giờ, máy được hoàn thiện cao cấp với triện Geneva Seal và sau đó là Patek philippe Seal đóng ở đằng sau.
Do sở hữu tính năng bấm giờ, nên kích thước của chiếc 5980 hơi lớn hơn so với các phiên bản trước. Nó dày hơn ( 12,16mm). Tuy nhiên nếu so sánh với nhiều mẫu đồng hồ bấm giờ khác, nó vẫn có tỉ lệ cân đối và khá dễ đeo trên cổ tay. Lưu ý rằng bản thép của 5980 đã ngừng sản xuất, một số phiên bản khác đã được ra mắt, bao gồm 5980/1R ( vàng hồng), 5980/1AR ( đề mi vàng hồng) hoặc 5980R ( vàng hồng dây da, mặt số màu nâu).
2006 – KÍCH CỠ TRUNG BÌNH ĐƯỢC THIẾT KẾ LẠI, NAUTILUS REF.5800
Ở phần trên, chúng ta đã xem xét 3 mẫu đồng hồ làm nên biểu tượng của Nautilus hiện đại ( 5711,5712 và 5980). Bây giờ ta sẽ đến với Một chiếc đồng hồ khác cũng nằm trong bộ sưu tập kỉ niệm 30 năm, một chiếc Nautilus kích cỡ trung bình có tên là 5800, kẻ kế nhiệm của mẫu 3800 cũ. Cơ bản thì nó vẫn giống như trước đây : một bộ vỏ gần y chang với vỏ Jumbo nhưng kích cỡ bé hơn để đáp ứng cho khách hàng có cổ tay nhỏ, hoặc những người cần mẫu đồng hồ ít phô trương hơn. Vẫn hoàn toàn là thiết kế Nautilus, nhưng nó lại đem tới cảm giác khác lạ khi đeo lên cổ tay!
Như đã nói ở trên, chiếc Nautilus 5800 là phiên bản cải tiến của 3800 trước đó. Nằm trong bộ sưu tập từ năm 1981 đến năm 2006. Nó cũng đi theo sự cải tiến tương tự như đã thực hiện trên mẫu 5711, với những nét hiện đại hơn, với phần cơ khí được cải tiến nhưng vẫn giữ những nét truyền thống từ mẫu 3700. Nautilus 5800 đã gia tăng kích thước lên một chút, từ 37.5 trên 3800 lên tới 38.4 trên phiên bản 2006 ( đo bề ngang), tức là 35mm theo đường chéo ( 4-10 giờ), nó khá dễ dàng đeo trên cổ tay hầu hết mọi người. Bộ vỏ mới có khả năng kháng nước 120m, điểm đáng chú ý là nó vẫn là dạng vỏ Monobloc.
Phần thiết kế tổng thể tương tự với các mẫu khác trong bộ sưu tập 2006 : tai càng hai bên uốn cong, núm chỉnh lớn hơn, liên kết trung tâm ở dây đeo dạng phẳng, kim và cọc số táo bạo hơn, mặt số Gradient đậm hơn. Nói ngắn gọn thì nó là một mẫu thu nhỏ của 5711, chúng chỉ khác nhau kích thước và cỗ máy.
Về mặt cơ học, mẫu Nautilus cỡ trung 5800 vẫn sử dụng máy siêu mỏng Calibre 330 SC inhouse, tần số 3hz đi kèm triện Geneve seal đóng trên cầu. Do cỗ máy khá mỏng (3.5mm) nên mẫu 5800 cũng chỉ dày 7.85mm. Chiếc đồng hồ này chỉ bán ra kèm với dây đeo kim loại với mặt số màu xanh huyền thoại, hiện nó đã bị ngừng sản xuất. Không giống như 3800 – một sự thành công lớn và có một thời gian tồn tại lâu dài ( 1981-2006), chiếc Nautilus cỡ trung 5800 có lẽ không phổ biến lắm trong giới sưu tập đồng hồ nam tính, với những người đang tìm kiếm thứ gì đó lớn hơn và họ quay sang ủng hộ mẫu 5711.
2010 – PHIÊN BẢN LỊCH THƯỜNG NIÊN, NAUTILUS REF.5726
Năm 2010, Patek Philippe tiếp tục mở rộng bộ sưu tập Nautilus bằng cách bổ sung một tính năng dành cho biểu tượng của họ : Lịch thường niên. Mẫu 5726 là mẫu vỏ thép đầu tiên mà hãng Patek đưa tính năng này vào, bộ lịch thường niên cho phép quan sát tháng và ngày, điểm yếu của nó là không tính toán được tháng 2 và năm nhuận, nghĩa là nó yêu cầu bạn phải điều chỉnh lịch sau mỗi 1 năm để chuyển từ cuối tháng 2 sang đầu tháng 3.
Tính năng này từng được Patek phát triển vào giữa những năm 1990, và được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1996, dành cho mẫu ref.5035. Chiếc đồng hồ này là một mẫu cổ điển và có phần bảo thủ về mặt thiết kế – nó không phù hợp cho Nautilus và do đó Patek đã sửa đổi lại mặt hiển thị như bạn đã thấy trong ảnh, để phù hợp hơn với tính chất thể thao sang trọng.
Mẫu lịch thường niên 5726 được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010 với một bộ dây da đi kèm, vỏ thép không gỉ và mặt số Gradient. Bộ thân vỏ về cơ bản là giống với 5711 và các phiên bản 2006 khác, mô đun lịch thường niên được gắn thêm vào Calibre 324. Ref.5726 này sau đó vẫn được phát triển thêm, với mặt số mới ( mặt trắng) kết hợp với dây đeo kim loại.
2012 – MẶT SỐ MÀU TRẮNG BẠC CHO NAUTILUS !
vào năm 2012, Patek đã thực hiện một bổ sung đặc biệt dành cho Nautilus, với phiên bản thép Jumbo, lúc đó chủ yếu đang có sẵn trên phiên bản mặt số tối màu. Và bắt đầu từ triển lãm Basel world 2012, 3 trong số các phiên bản có sẵn sẽ có mặt số màu bạc : 5711, 5980 và 5726. Mặc dù được quảng cáo là đồng hồ thể thao kể từ khi thành lập năm 1976, Nautilus vẫn luôn giữ một phong cách trang trọng nhất định với một mặt số tối màu. Với sự xuất hiện của mặt số màu trắng trong bộ sưu tập, chiếc đồng hồ đã phát triển trở nên linh hoạt hơn và mang dáng vẻ khác biệt hơn.
Các phiên bản mặt số màu trắng đi kèm với sự thay đổi về kim và cọc số. Chúng chuyển sang màu viền đen thay vì được đánh bóng như ở bản cũ. Trong khi màu sắc thay đổi, thì các cọc số vẫn được làm từ vàng, mặt số giữ nguyên thiết kế cũ với các rãnh ngang, tuy nhiên màu sắc đã có sự đồng nhất và không có hiệu ứng chuyển màu.
Bên cạnh mặt số màu trắng, Patek cũng giới thiệu vào năm 2012 một sự phát triển của lịch thường niên, với sự xuất hiện của bộ dây đeo bằng thép, có tên tham chiếu là 5726/1A.
NĂM 2014 – ĐỒNG HỒ BẤM GIỜ DU LỊCH, NAUTILUS REF.5990
Năm 2014, phiên bản đồng hồ bấm giờ 5980 bản thép không gỉ đã được thay thế bằng mẫu 5990 tại sự kiện Baselworld 2014, nó được đặt tên là Nautilus Travel Time Chronograph. Mặc dù vẫn dựa trên cấu trúc cơ học tương tự như 5980, chiếc 5990 mới đã được bổ sung thêm sự phức tạp về mặt thời gian, đồng thời gây bất ngờ bởi phương thức xây dựng bộ vỏ.
Trái tim của chiếc 5990 là cỗ máy bấm giờ tự động tích hợp In-house : Calibre CH 28-520 C. Nó được sử dụng làm cơ sở để bổ sung tính năng Dual Time. Mặt số của 5990 là sự pha trộn giữa 5980, với một ô phụ bấm giờ duy nhất ở góc 6 giờ. Việc hiển thị múi giờ thứ 2 được thực hiện bằng kim giây trung tâm, bộ kim báo ngày chuyển từ 6 lên 12 giờ đã cho thấy sự phát triển của cỗ máy.
Chiếc đồng hồ có kích thước 40.5 mm theo đường chéo, so với bản 5890 nó chỉ dày hơn một chút, ở mức 12.53mm so với 12.16 mm. Mặt số vẫn giữ nguyên các rãnh ngang, cọc số và kim giống nhau – màu sắc chuyển sang màu đen Gradient. Sự thay đổi chính lại không nằm ở mặt số mà nằm ở phần thân vỏ.
Patek Philippe Nautilus, dù là phiên bản hiện đại hay cổ điển, đều sử dụng ốc vít ở bản lề hai bên ( hai tai hai bên), tuy nhiên ở trên mẫu 5990 điều này đã thay đổi. Đầu tiên, phần tai bản lề ở góc 9 giờ đã không còn tồn tại, ít nhất thì nó đã không còn là một phần của kết cấu thân vỏ. Nó đã biến thành bộ hai nút nhấn cho phép di chuyển tiến/lùi kim 24h. Tiếp đó, bạn có thể quan sát thấy, phần tai bản lề góc 3 giờ đã không còn ốc vít ở hông. Do đó, mặc dù thiết kế tổng thể vẫn được giữ lại, nhưng mẫu Nautilus 5990 lại là một loại đồng hồ mới, khác biệt với cấu trúc ban đầu của Gerald Genta tạo ra.
NĂM 2016 : PHIÊN BẢN KỈ NIỆM 40 NĂM CỦA NAUTILU
Tháng 10 năm 2016, để kỉ niệm 40 năm ra đời mẫu sản phẩm, Patek đã ra mắt 2 mẫu đồng hồ siêu cấp bản giới hạn : Jumbo 5711/1P bằng bạch kim và chiếc Nautilus bấm giờ 5976/1G bằng vàng trắng.
Chiếc đầu tiên, Nautilus 5711/1P được làm dựa trên phiên bản 3 kim kinh điển, bộ vỏ tương tự chỉ khác ở vật liệu cấu thành của nó là từ platinum. Màu của mặt số cũng được thay đổi, chữ kỉ niệm được chạm nổi ở góc 6 giờ, cọc số kim cương cắt theo hình Baugette, giới hạn 700 chiếc.